Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

ĐỪNG RỜI XA TÔI NHÉ

Chào các bạn,

TNĐV đã hoạt động trở lại. Thời gian qua, chúng tôi nhận được một số bản thảo của các bạn, đa số là những bạn mới viết. Qua quá trình đọc khảo nghiệm, TNĐV có ý kiến như sau:

Các tác giả vẫn còn mắc quá nhiều lỗi chính tả và ngữ pháp. Diễn đạt hết sức bình thường, chưa thực sự đạt tới tầm văn chương nghệ thuật. Khi còn phạm những lỗi đơn giản đó, thì tác phẩm của các bạn dù có ý tưởng mới lạ, có hay ngàn lần chăng nữa, thì chúng vẫn chưa thể được coi là một tác phẩm văn học đúng nghĩa văn học. Xin đơn cử ra đây một truyện ngắn của một bạn gửi đến TNĐV. Những chữ vàng là lỗi chính tả mà bộ phận đọc đã đánh dấu. Ngoài ra, bạn viết còn phạm lỗi ngữ pháp, như có nhiều câu thiếu dấu phẩy ở những vế nhất thiết phải đặt dấu phẩy. TNĐV lấy luôn ví dụ câu đầu tiên:

"Từ căng tin trở về nhỏ cười nói vui Đùa cùng đám con gái trong lớp." Sau cụm từ "Từ căng tin trở về", bạn cần có một dấu phẩy để tách rõ các thành phần trong câu. Cụm từ đầu câu mới là trạng ngữ. Ngoài ra, bạn còn mắc lỗi diễn đạt. TNĐV sẽ không đích thân sửa những tác phẩm như thế này. Chúng tôi chưa đòi hỏi các bạn phải viết hay, viết tốt, hấp dẫn, cuốn hút. Chỉ cần các bạn hiểu, muốn viết văn, trước hết phải viết đúng chính tả, đúng ngữ pháp. Sau đó mới tính đến các yếu tố văn chương.

Thân!

TNĐV



Từ căng tin trở về nhỏ cười nói vui Đùa cùng đám con gái trong lớp. Vừa vào tới cửa lớp nhỏ không tự chủ được nhìn một cậu bạn trong lớp, cậu ta khác với những đứa co trai khác không năng động không cười đùa trêu chọc cùng các bạn trong lớp. Cậu ta như một cá thể cô độc một mình,luôn ngồi im lặng tay chống cằm nhìn ra ngồi cửa sổ chìm đắm trong thế giới riêng của mình.

Chia tay với mấy đứa bạn, nhỏ trở về chỗ của mình bên cạnh cậu bạn đó. Nhìn cậu ta mà nhỏ nhớ lại lúc gặp cậu lần đầu tiên..............

Đó là đầu năm lớp 11, nhỏ cùng gia đình từ thành phố Hồ Chí Minh chuyển vào thành phố Hà Nội này sinh sống, như vậy cũng đồng nhĩa với việc nhỏ phải chuyển trường. Hôm đầu tiên tới trường mới, nhỏ đã gặp cậu, cũng chẳng trong hoàn cảnh thơ mộng hoàng tử và công chúa gì, ngược lại nhỏ chứng kiến cậu bị ba nam sinh bắt nạt mà không hề phản kháng. Tất nhiên một đứa ưa chính nghĩa như nhỏ thì sẽ không để điều này xảy ra lập tức nhỏ kêu to:

BÁC BẢO VỆ ƠI Ở ĐÂY CÓ ĐÁNH NHAUUUUUUUUUUUUUUUU.

Ba nam sinh kia giật mình nhìn nhỏ, sau lại nhìn nhau rồi ba chân bốn cẳng bỏ chạy không dám ngoái đầu lại. Nhìn những người kia bỏ đi, nhỏ chậm rãi đến bên, ngồi xuống nhìn cậu lo lắng hỏi:

Cậu không sao chứ?

Cậu ta ngước mặt lên nhìn nhỏ, nhìn vào đôi mắt cậu làm nhỏ khẽ giật mình. Đôi mắt đó  thật đẹp, đôi mắt như mặt hồ tĩnh lặng được ánh sáng mặt trời chiếu xuống long lanh huyền ảo,nhưng lại chứa đựng một sự cô đơn một mình.Không hiểu sao nhỏ cảm thấy một cảm giác khó chịu nơi lồng ngực. Trong đầu hiện lên một suy nghĩ muốn kéo cậu ra khỏi nhà tù mang tên “cô đơn”. Cậu bỏ mặc nhỏ tự mình chật vật đứng lên bỏ đi, để  lại nhỏ ngồi đó nhìn theo bóng lưng cậu dần xa.

Sau đó nhỏ biết được lớp nhỏ sẽ học lại cùng lớp với cậu, đã thế còn ngồi cùng bàn với cậu, còn biết được tên cậu là Minh-Huỳnh Thái Minh một cái tên rất hay nhỏ đã nhận xét như vậy. Khi biết được điều đó nhỏ đã vui mừng tới nhường nào, muốn nhảy cẫng lên mà la hét muốn ôm cậu như một người bạn thân lâu năm được gặp lại nhau vậy.

Quay trở lại thực tại, nhỏ giật mình khi thấy cậu nhìn mình chằm chằm, ngượng ngùng mặt nhỏ cũng có chút đỏ. Cậu không đẹp trai như hotboy nhưng có khuôn mặt ưa nhìn, với đôi mắt to không lẫn tạp chất, cái mũi cao cân đối, đôi môi đỏ tự nhiên. Tất cả những gì ở cậu đều làm cho nhỏ thích. Nhỏ cười tươi lấy trong túi ra một cây kẹo đưa cho cậu:
-      Linh cho Minh nè.

Cậu nhìn cây kẹo trên tay nhỏ rôi lại nhìn khuân mặt cười đến rạng rỡ lại có chút hồng hồng, trong cậu có cái gì đó khẽ lay động. Linh- nhỏ không nằm trong danh sách những cô nàng xinh đẹp hay thích son phấn trang điểm để cả người bốc mùi mĩ phẩm nồng nặc, được cái nhỏ rất thanh tú kèo theo nụ cười tươi tắn nên làm nhỏ trở nên dễ thương, thân thiện trong mắt mọi người. Cậu tiếp nhận cây kẹo từ nhỏ bỏ vào trong túi của mình mà không ăn, xong xuôi cậu lại chìm đắm trong thế giới của mình mà mặc nhỏ muốn làm gì thì làm.

Trước thái độc của cậu nhỏ cũng không giận mà ngược lại cười tươi hơn trong mắt áng lên một niềm vui.

Thực ra đối với thái độ hiện giờ của cậu đó là một bước chuyển biến khá lớn đối với nhỏ. Trước đây khi mới tiếp cận làm bạn với cậu nó nhận ngay sự lạnh nhạt không quan tâm của cậu đối với nó. Khi nhỏ nói chuyện với cậu thì chỉ có nhỏ nói nhỏ nghe, hỏi han này nọ quan tâm đến cậu thì nhận được sự im lặng từ cậu. Rồi ngày nào nó cũng đưa cậu một cây kẹo, tất nhiên cậu cũng chẳng để tâm  nhưng nhỏ tự ý dúi vào cặp cậu. Ngày nào cũng như thế xảy ra, các bạn trong lớp cũng bảo nhỏ không nên quan tâm đến cậu làm gì, cậu là một người tự kỉ không quan tâm tới người khác đâu. Nhưng nhỏ mặc kệ, cậu cằng như thế ý trí muốn kéo cậu hoà nhập với cuộc sống này càng mãnh liệt hơn.

Cho tới một ngày, trên đường đi học về nhỏ nhìn thấy cậu bị một đám thanh niên vây lại đánh túi bụi, miệng bọn chúng không ngừng chửi thề, còn cậu nàm co ro dưới đất tay ôm đầu, mặc cho chúng đánh mình. Nhỏ vội vã chạy lại, đẩy một tên thanh niên ra len người vào đến bên cậu, nhìn cậu người đầy thương tích, trong lòng nhỏ nổi lên một sự chua sót. Nhỏ tức giận quát vào mặt đám thanh niên kia:

Các ngươi thật là một đám hèn hạ nhiều người như vậy mà đánh một  người có cảm thấy xấu hổ không?

Tên thanh niên to con nhất cười cợt nhả, lên tiếng tiếng hảo tâm nhắc nhở nhỏ:
-      Nhóc con mau biến khỏi đây, đừng nhiều chuyện chen vào việc của bọn anh. Không nhóc sẽ phải hối hận đấy.

Nhỏ nhìn đám thanh niên với ánh mắt hình viên đạn, giọng nói không hề sợ hãi mà còn cứng rắn hơn trước:
-     
- Không thì sao? mấy anh sẽ làm gì tôi nào?đánh tôi sao? Hừ thật hèn hạ.

Một tên trong đám thanh niên nhếch miệng cười đến đểu giả, mặt trát cả tấn phấn, ăn mặc thì loè loẹt không khác gì con vẹt, trông thật sự rất đáng ghét, hắn cất tiếng nói giọng the thé nửa nạc nử mỡ, à không phải gọi là bê đê mới đúng:
-      
Nhóc thích thì chị chiều. Tên bê đê đó tiến đến nắm cổ tay nhỏ xiết chặt, làm nhỏ rất đau, khẽ nhíu mày nhưng mặt nhỏ vẫn tỏ ra kiên cường bất khuất.

- giỏi lắm không hề run sợ. Dứt lời tên bê đê tát nhỏ một cái đau rát trên mặt, máu  miệng rỉ ở môi chảy ra, nhỏ loạng choạng ngã xuống đất khuỷ tay va chạm mạnh trên nền gạch cứng đau đớn truyền đến làm nhỏ không khỏi nhăn mặt, cố để không cho bản thân không kêu lên.
Tên bê đê túm cổ áo nhỏ lên, nói :
-      Có đau không? Đau thì lên tiếng van xin đi chị đây sẽ tha cho. Nào nói đi.
-      Hừ đừng hòng. Nhỏ nhìn tên đó đầy căm hận.
-      Đến giờ phút này còn cứng đầu. Tên bê đê tức giận đạp nhỏ một phát thật mạnh vào bụng, nhỏ ngã xuống đập đầu tường  nhỏ kêu lên “A” một tiếng rồi ngất xỉu tại chỗ, máu từ đầu nó chảy ra.

Đám thanh niên sợ hãi đứng hình, mặt xanh như tàu lá chuối. Còn cậu khi thấy nhỏ bị đánh, trong đầu cậu hiện lên hình ảnh trong tiềm thức, anh trai cũng từng cứu cậu mà bị đánh, người anh đầy máu giọng nói yếu ớt của anh kêu cậu chạy đi. Cậu hoảng loạn không ý thức được gì, hình ảnh đó luôn xất hiện trong đầu cậu như một cuốn phim quay chậm.Cậu cho rằng cái chết của anh trai là do cậu gây ra mặc cho mọi người thân xung quanh nói rằng: đó không phải lỗi của cậu, đây chính laflis do cậu “tự bế” mình trong một thế giới riêng do chính bản thân cậu tao ra để cách ly với thế giới bên ngoài. Nghe thấy tiếng kêu của nhỏ cậu sực tỉnh, nhìn nhỏ hôn mê bất tỉnh cậu liên tưởng tới cái chết của anh trai, cậu đến bên nhỏ, để nhỏ nằm với một tư thế thoải mái miệng lẩm bẩm nói vói nhỏ điều gì đó. Xong, cậu nhìn đám sát nhân vẫn còn sợ hãi đứng đó, từ từ cậu tiến đến chỗ bọn chúng, mắt cậu nổi những mạch máu đỏ ngầu, miệng gầm lên hai tiếng:
-      
TrẢ GIÁ.

Dứt lời cậu xông đánh cho đám kia một trận sống chết, thân tàn ma dại, nhất là tên bê đê kia có lẽ sẽ tàn phế cả đời. Giải quyết xong cậu đưa nhỏ tới bệnh viện cấp cứu, ba mẹ của nhỏ cũng vội vã đến, lo lắng cho con gái đến mất ăn mất ngủ, cũng may ca cấp cứu thành công. Đến khi các bậc phụ huynh hỏi cậu: “- rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?” thì chỉ nhận được sự im lặng, và cái cúi đầu không dám nhìn họ. Các bậc phụ huynh cũng chỉ đành thở dài đợi nhỏ tỉnh lại sẽ hỏi.

Nhỏ hôn mê 1tuần liền, trong thời gian đó cậu luôn túc trực bên nó suốt, không quan tâm đến lời khuyên bảo của ba me nhỏ và ba mẹ cậu. Trong lòng cậu vẫn hiện hữu một nỗi sợ, sợ nhỏ sẽ bỏ cậu mà đi như anh cậu. Trong suốt thơi gian qua những việc nó làm trò chuyện với cậu mặc cho cậu cứ im lặng, cậu cũng rất muốn nói chuyện với nhỏ nhưng không biết nói như thế nào cho đúng. Những cây kẹo nhỏ cho cậu, cậu nỡ ăn vì đó là của nhỏ, cậu đã để chúng vào một chiếc hộp thập đẹp.

Ngay hôm nó tỉnh lại, khi nhìn thấy cậu bên cạnh gục đầu xuống giường mệt nhọc mà thiếp đi, nhỏ khẽ cười đưa tay định chạm vào khuân mặt mang đầy vẻ mệt mỏi, lòng nhỏ cảm thấy đu đớn khi thấy cậu như vậy. Đột nhiên cậu tỉnh dậy nhìn nó đang cười, hắn không tin vào mắt mình nữa trong lòng vui sướng vô cùng, môi khẽ nhếch lên nói với nhỏ:
-      Cũng tỉnh.

Đây là câu đầu tiên mà cậu nói với nhỏ, cậu không biết rằng nhỏ vui tới nhường nào đâu, giọng cậu trầm mà êm nghe rất êm tai.
-      ừ, mình không sao. Nhỏ nợ nụ cười tươi, ánh ban mai chiếu vào nhỏ làm nhỏ đẹp đến kì lạ.

Cậu nắm lấy tay nhỏ. Giật mình theo phản xạ nhỏ rụt tay lại, nhưng bị cậu nắm chặt lấy. Mắt cậu nhìn thẳng vào mắt nhỏ, mặt nghiêm túc nói:
-      
Đừng rời xa tôi nhé.


Nhỏ sững sờ trước câu nói của cậu, vài phút sau nhỏ lấy lại tinhn thần cười với cậu khẽ gật đầu. Nhỏ làm sao rời xa cậu được nữa chứ khi cậu đã lấy mất đi một thứ vô cùng của nhỏ rồi.

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ BẢN THẢO



TNĐV đã nhận được một số bản thảo gửi về qua email. Chúng tôi đang trong quá trình đọc và xử lý. Sẽ phản hồi lần lượt theo thứ tự bản thảo nhận được. Để tránh mất thời gian cho các thành viên trong nhóm làm việc của TNĐV, TNĐV có một số yêu cầu sau đối với bản thảo gửi về blog.

1.     TÊN TÁC PHẨM VÀ TÊN NHÂN VẬT

Về tên tác phẩm, các bạn cố gắng không chọn những cái tên quá sến. Tên truyện phải gần với chủ đề, nội dung mà truyện chuyển tải.

Về tên nhân vật, TNĐV không nhận những bản thảo có tên nhân vật đặt ăn theo tiểu thuyết ngôn tình của Trung Quốc. Những cái tên đôi như: Hân Hân, Tuyết Tuyết, Băng Băng, Mĩ Miều, Hậu Ái, Hạo Thiên, Gia Huệ, Hàn Phi, v.v…

Nhiều bạn phản ánh rằng rất khó trong việc chọn tên. TNĐV nghĩ tên thuần Việt không khó, quanh ta rất nhiều. Vấn đề không phải là các bạn có thích tên nhân vật hay không. Nếu thực sự muốn thành một người viết, các bạn cũng biết, những gì các bạn viết ra, không chỉ cho các bạn đọc.

2.     Ý TƯỞNG TÁC PHẨM

Ý tưởng tác phẩm là phần quan trọng, có tính chất quyết định cho sự thành công ban đầu của bạn. Trong số bản thảo đầu tiên gửi về TNĐV, chúng tôi chưa tìm thấy tác phẩm có ý tưởng mới. Đa số tác giả là người viết còn rất trẻ, thuộc teen, các bạn thường có thói quen đọc những quyển tiểu thuyết lãng mạn, xem những bộ phim lãng mạn, rồi theo đó mà nghĩ ra ý tưởng cho tác phẩm của mình. Và các bạn cho đó là ý tưởng của các bạn. Kỳ thực, ý tưởng đó đã bị ảnh hưởng từ những gì mà các bạn đọc, các bạn xem, nó mang tính chất na ná na ná nhau. TNĐV khuyến khích những bạn đưa được ý tưởng mới. Cố gắng để ý tưởng của bạn chưa từng xuất hiện đâu đó. Bạn cần nhớ, ý tưởng tác phẩm của bạn phải mang cá tính của bạn, in dấu ấn bản sắc của bạn, có như vậy, bạn mới khẳng định được mình qua những gì mình viết. Thật buồn nếu như một ngày nào đó, tất cả những gì bạn nỗ lực sẽ nhận được một lời nhận xét gạch đá, “cái này mình đọc ở đâu đó rồi” hay, “chẳng có gì thú vị, chán”. Ý tưởng càng độc, càng táo bạo càng tốt. Khi bạn chọn được một ý tưởng hay, nghĩa là bạn đã có trong tay chút gia tài, vốn liếng để bắt đầu công việc viết lách của mình. Vấn đề còn lại chỉ là kỹ năng viết.

3. NỘI DUNG TÁC PHẨM

Ngoại trừ những tác phẩm giả tưởng, nội dung tác phẩm cần logic với thực tế cuộc sống. Các bạn cố gắng quan sát, suy ngẫm về vấn đề mình chọn viết. TNĐV ưu tiên những tác phẩm có ý tưởng lạ, nội dung liên quan đến vấn đề đời sống, tên truyện và tên nhân vật phù hợp.

TNĐV sẽ cố gắng để không phải loại bỏ tác phẩm của các bạn. Vì vậy, rất mong những bạn nào đã gửi bản thảo, hãy nhiệt tình hợp tác để xây dựng tác phẩm của mình. Sau bài viết này, TNĐV sẽ không nhận bản thảo phạm vào ba yêu cầu trên.

Lưu ý:

Từ cửa sổ blog, bạn nhìn sang bên phải màn hình của bạn, kéo xuống dưới, ở mục Follow by Email, các bạn gõ địa chỉ mail của mình vào ô bên dưới rồi ấn submit để đăng ký theo dõi bài viết mới của TNĐV.

Chúc các bạn ngày vui.

http://trenneoduongvan.blogspot.com

TRUYỆN NGẮN VÀ TÌNH HUỐNG TRUYỆN

Chỉ dành cho những bạn không tiếc thời gian. Cần đọc kỹ để hiểu lý thuyết.

Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ mà nội dung thường chỉ xoay quanh một tình huống truyện chủ chốt nào đó.

Với truyện ngắn, cần quan tâm đến các yếu tố về dung lượng và thi pháp.

Dung lượng: Truyện ngắn được xem là tác phẩm tự sự ngắn, thậm chí cực ngắn (truyện mini) nhân vật không nhiều, tình tiết và chi tiết đời sống cũng không nhiều.
Tuy nhiên, không có quy định nào mang tính tuyệt đối về dung lượng truyện ngắn. Thông thường, truyện ngắn từ 1000 chữ đến trên mười nghìn chữ. Báo Tuổi trẻ có mục “Truyện ngắn 1200 chữ”. Truyện ngắn Thảo nguyên của nhà văn Nga, Tchekhov lên đến mười lăm nghìn chữ.

Như vậy, ta không thể căn cứ vào dung lượng để nhận biết truyện ngắn hay truyện dài, tiểu thuyết. Mà còn căn cứ vào thi pháp truyện ngắn.

Thi pháp truyện ngắn: Bao gồm các yếu tố như: cốt truyện, điểm nhìn trần thuật, nhân vật, ngôn ngữ, tình huống truyện. Trong đó, tình huống truyện được xem là hạt nhân của truyện ngắn.

Phần này, TNĐV sẽ giới thiệu về tình huống truyện trong truyện ngắn. Bài viết có tham khảo tài liệu nghiên cứu và giảng dạy của PGS. TS Chu Văn Sơn, giảng viên văn học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Định nghĩa tình huống truyện

Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã coi tình huống là “cái tình thế nảy ra truyện”, là “lát cắt” của đời sống mà qua đó có thể thấy được cả trăm năm của đời thảo mộc, là “một khoảnh khắc mà trong đó sự sống hiện ra rất đậm đặc”, “khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người, thậm chí cả một đời nhân loại”.

Định nghĩa như thế là xoáy vào nghịch lí thú vị sau đây của tình huống: qua cái ngắn mà thấy được cái dài, qua một khoảnh khắc ngắn ngủi mà thấy được diện mạo toàn thể. Nghĩa là tính “đặc biệt điển hình” của cái tình thế cuộc sống chứa đựng trong đó. Đây là một tố chất thẩm mĩ tiềm ẩn của tình huống.

“Tình thế nảy ra truyện”, nghĩa là một khoảnh khắc nào đó của đời sống mà ở đó một mối quan hệ (con người với con người, hoặc con người với ngoại vật) bị đẩy đến trước một tương quan éo le. Như vậy, có khi tình huống bao chứa tình thế, lại có khi tình thế bao chứa tình huống.

Như vậy, khác với dung lượng, tình huống truyện trong truyện ngắn giúp ta phân biệt rõ hơn với thể loại tiểu thuyết. 

Tiểu thuyết là một thể loại lớn nằm trong phương thức tự sự, có khả năng phản ánh hiện thực đời sống một cách bao quát ở mọi giới hạn không gian và thời gian, có khả năng khám phá một cách sâu sắc những vấn đề thuộc về thân phận con người thông qua những tính cách đa dạng, phức tạp và khả năng tái hiện những bức tranh mang tính tổng thể rộng lớn về đời sống xã hội.

Còn người nghiên cứu, với sở trường trừu tượng hoá, đã khái quát tình huống như là “một hoàn cảnh đặc biệt” của đời sống. Hình dung như vậy cũng phần nào chạm tới cái vùng ven của vấn đề. Tuy nhiên, dừng lại ở đó không thôi thì đối tượng hẵng còn xa mờ quá.

Để tiếp cận tình huống truyện, không thể không nhìn nhận trên những khía cạnh căn bản sau đây:

Về bản thể: Tình huống truyện, xét đến cùng, là một sự kiện đặc biệt của đời sống được nhà văn sáng tạo trong tác phẩm theo lối lạ hoá.

Lạ hóa: Nhà văn đã làm sống dậy trong sự kiện ấy một tình thế bất thường của quan hệ đời sống (quan hệ giữa các nhân vật tham gia vào sự kiện, hoặc giữa nhân vật với ngoại giới).

+ Tại sự kiện ấy bản chất của nhân vật hiện hình sắc nét.

+ Tại sự kiện ấy ý tưởng của tác giả cũng bộc lộ trọn vẹn.

Từ đó có thể đúc kết: Tình huống là một sự kiện đặc biệt trong đó chứa đựng một tình thế bất thường của quan hệ đời sống.

Về hình tướng của nó, cần khu biệt với hai khái niệm giáp ranh: đỉnh điểm  hoàn cảnh điển hình.

+ So với “đỉnh điểm”, tình huống truyện vừa có điểm tương đồng vừa có điểm dị biệt. Đỉnh điểm là một khâu của hệ thống cốt truyện. Nó chỉ được coi là “đỉnh điểm” trong quan hệ với các khâu còn lại như giới thiệu, thắt nút, phát triển  cởi nút. Nó là cái “đỉnh chót” của hàng loạt sự kiện và biến cố dệt nên cốt truyện. Còn "tình huống" lại là cái sự kiện bao trùm lên toàn bộ một tác phẩm truyện ngắn. Trong tình huống dường như có đủ các khâu của cốt truyện nhưng dưới dạng đã được nén lại.

+ So với “hoàn cảnh điển hình”, tình huống truyện vừa rộng hơn vừa hẹp hơn. Rộng về diện hoạt động. Nếu “hoàn cảnh điển hình” là khái niệm chỉ nhất thiết tồn tại trong một phạm trù văn học là “văn học hiện thực”, thì “tình huống truyện”, với tư cách là hạt nhân của một thể loại, lại có mặt ở mọi phạm trù văn học. Còn hẹp về qui mô. “Hoàn cảnh điển hình” thường được tạo dựng từ hàng loạt sự kiện với một khung cảnh xã hội rộng dài, thì tình huống chỉ là một “khoảnh khắc”, một “lát cắt”, thâu tóm vào khuôn khổ mộ sự kiện nhỏ và trọn vẹn nào thôi. Nếu nhìn từ tương quan với hoàn cảnh cũng có thể định nghĩa: tình huống là sự cô đặc của một hoàn cảnh điển hình nào đó.

Về vai trò: Tình huống là hạt nhân của cấu trúc thể loại truyện ngắn. Nghĩa là nó quyết định đến sự sống còn của một truyện ngắn. Hãy nhìn vào hai dạng biến động cơ bản về qui mô của truyện ngắn: 

a) Dạng mở rộng: khi một truyện ngắn có đến hai sự kiện “tranh nhau” đóng vai trò hạt nhân, vai trò quán xuyến, thì truyện ngắn đang “vươn vai” thành truyện dài ; 

b) Dạng giản lược: khi một truyện ngắn co mình lại trong một số chữ hạn định để thành truyện cực ngắn, truyện mini, thì có thể thấy các thành tố khác của truyện như nhân vật, cảnh vật, lời trần thuật có thể giảm thiểu đến kiệt cùng, còn cái mà nó quyết giữ chính là tình huống. Mất “tình huống”, nó có thể thành tản văn, thành tuỳ bút, thành thơ văn xuôi, thành kí, nghĩa là thành gì gì khác… chứ quyết không thể còn là truyện ngắn. Mất tình huống tức là mất tính cách truyện ngắn. Vì thế mà có thể thấy vai trò của nó trong hai tương quan sau:

+ Với văn bản truyện ngắn: Nó là nhân tố tổ chức của thiên truyện. Tức là nó bao trùm và chi phối các thành tố khác như nhân vật, cảnh vật, bố cục, kết cấu, lời trần thuật… Nhìn ở chiều ngược lại, những thành tố kia châu tuần xung quanh để làm sống dậy cái tình huống này. Diện mạo của một truyện ngắn, xét đến cùng, là do tình huống quyết định.

+ Với người viết truyện ngắn: Tạo được một tình huống đặc sắc, xem như đã có một tiền đề khá chắc chắn cho thành công của tác phẩm. Nghĩa là, để làm nên một truyện ngắn đầy đặn, người viết còn phải lo nhiều khâu khác như dựng người, dựng cảnh, lo tâm lí, lo đối thoại … như thế nào nữa. Nhưng lo được tình huống rồi thì coi như đã có một hứa hẹn tin cậy. Sáng tạo tình huống truyện là phần việc cốt yếu của lao động truyện ngắn vậy.

Phân loại tình huống:

Về tính chất, truyện ngắn có ba dạng chính, bởi chứa đựng ba dạng tình huống truyện căn bản:

- Tình huống hành động

Là loại sự kiện đặc biệt mà trong đó nhân vật bị đẩy tới một tình thế (thường là éo le) chỉ có thể giải quyết bằng hành động. Tình huống này thường hướng tới một kiểu nhân vật: Nhân vật hành động. Tức là loại nhân vật chủ yếu được hiện lên bằng hệ thống hành vi, hành động của nó, các bình diện khác ít được quan tâm. Do đó, nó quyết định đến diện mạo của toàn truyện: Truyện ngắn giàu kịch tính.Thậm chí mỗi thiên truyện, ở dạng rõ nét nhất, có thể coi như một màn kịch, một vở kịch ngắn trong y phục văn xuôi (Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan là một trường hợp tiêu biểu).

Ví dụChữ người tử tù của Nguyễn Tuân: Tình huống hành động - kiểu nhân vật hành động - truyện ngắn giàu kịch tính. 

Tình huống truyện là cuộc gặp gỡ đầy trớ trêu, éo le giữa người tù Huấn Cao với viên quản ngục chốn lao tù. Xét trên phương diện xã hội, họ ở thế đối lập nhau (một bên là tử tù chờ ngày ra pháp trường; một bên là quản ngục nắm trong tay sinh mệnh của tù nhân). Nhưng xét về phương diện nghệ thuật, họ là những người có tâm hồn đồng điệu.

Tình huống hành động - kiểu nhân vật hành động

    + Thái độ lúc đầu của Huấn Cao: Tỏ ra coi thường, khinh bạc ngay cả khi nhận được sự chăm sóc lặng lẽ, chu tất của viên quản ngục
     + Sự thay đổi thái độ của Huấn Cao: Khi hiểu ra tấm lòng chân thành và sơ thích cao quý của viên quản ngục, Huấn Cao hết lực trân trọng và đồng ý "cho chữ"
    + Cảnh cho chữ trong nhà ngục: Diễn ra như "một cảnh tượng xưa nay chưa từng có". Không gian và thời gian rất đặc biệt; vị thế của các nhân vật bị đảo ngược
   - Ý nghĩa, hiểu quả nghệ thuật của tình huống
   + Làm bộc lộ, thay đổi quan hệ, thái độ, hành vi khác thường của các nhân vật, làm tỏa sáng vẻ đẹp của cái Tài, cái Dũng, cái Thiên lương.
   + Góp phần khắc họa tính cách nhân vật; tăng kịch tính và sức hấp dẫn của tác phẩm.

- Tình huống tâm trạng

Đó là sự kiện đặc biệt của đời sống mà ở đó nhân vật rơi vào một tình thế làm nảy sinh một biến động nào đó trong thế giới tình cảm. Tình huống này thường dẫn tới một kiểu nhân vật là: Con người tình cảm. Nghĩa là kiểu nhân vật được hiện lên chủ yếu bằng thế giới nội cảm của nó, nhà văn tạo dựng nên hình tượng nhân vật chủ yếu bằng một hệ thống chất liệu là cảm giác, cảm xúc với các phức hợp khác nhau của chúng. Còn các khía cạnh khác (như ngoại hình, hành động, lí tính…) ít được quan tâm. Và vì thế, nó quyết định đến diện mạo của toàn truyện: Truyện ngắn trữ tình. (Truyện ngắn Hồ Dzếnh, Thanh Tịnh, Thanh Châu, nhất là Thạch Lam nghiêng về dạng này.)

Ví dụ: Hai đứa trẻ của Thạch Lam: Tình huống tâm trạng - kiểu nhân vật tình cảm - dạng truyện ngắn trữ tình.

Tình huống bao trùm toàn bộ tác phẩm là Cuộc đợi tàu của hai đứa trẻ trên phố huyện nghèo. Đây là cuộc đợi tàu lạ lùng. Lạ vì chúng đợi tàu chẳng phải vì một mục đích nào thiết thực (không đợi hàng, không đón ai, không có người thân nào của chúng trên đoàn tàu ấy ; chúng đợi tàu chỉ để nhìn đoàn tàu, thế thôi). Lạ vì không thiết thực mà ngày nào chúng cũng cố đợi. Chừng như chưa được nhìn đoàn tàu thì chúng chưa được sống trọn vẹn một ngày.

Thạch Lam không chỉ mô tả hiện thực bằng mẫn cảm nghệ thuật, mà còn bằng cả cảm thức triết học.

Nhìn vào tâm lí thuần tuý, tâm trạng của Liên là một tâm trạng lãng mạn khá điển hình. Bất hoà với thực tại, cái tôi lãng mạn thường thoát vào trong mơ ước để tìm kiếm một thực tại khác thay thế. Nó gặp một thực tại giờ đây đã là quá khứ. Tức là thực tại trong hồi tưởng. Người ta đến với quá khứ ấy bằng và chỉ bằng hoài niệm. Nhưng quá khứ chỉ có thể hồi hiện như những kỉ niệm đẹp chứ không thể phục sinh, không thể quay về. Cho nên hoài niệm về một quá khứ đã mất chỉ có thể là an ủi chốc lát. Không bằng lòng với nhớ tiếc dĩ vãng, cái tôi lãng mạn lại tìm kiếm thực tại trong huyễn tưởng và viễn tưởng. Liên là một con người thực tại. Nên mơ tưởng của Liên về một cuộc sống khác cũng rất thực tại. Hằng ngày Liên chờ đợi đoàn tàu và gửi vào đoàn tàu ấy cái mơ tưởng của mình. Đoàn tàu này chạy đến từ Hà nội, nơi Liên từng được sống một tuổi thơ vui tươi sung sướng. Tuy xa xăm, nhưng với Liên, Hà nội là có thật. "Liên lặng theo mơ tưởng. Hà nội xa xăm, Hà nội sáng rực vui vẻ và huyên náo.". Chờ đợi và nhìn đoàn tàu là một nhu cầu tâm lí rất tự nhiên và thiết yếu của chị em Liên. Thạch Lam đã mô tả những diễn biến ấy của tâm trạng Liên bằng ngòi bút tinh vi của một nghệ sĩ có khả năng làm sống dậy cả những gì vốn mong manh hư thoảng nhất của hồn người.

- Tình huống nhận thức

Đó là sự kiện đặc biệt của đời sống mà tại đó nhân vật được đẩy tới một tình thế bất thường: Đối mặt với một bài học nhận thức, bật lên một vấn đề (về nhân sinh, về nghệ thuật) cần phải vỡ lẽ, giác ngộ. Kiểu nhân vật của dạng tình huống này đương nhiên là: nhân vật tư tưởng. Nghĩa là kiểu nhân vật được khai thác chủ yếu ở đời sống nhận thức lí tính của nó. Chất liệu cơ bản để dệt nên nhân vật là hệ thống những quan sát, phân tích, suy lí, đúc kết, chiêm nghiệm, toan tính v.v… Trường hợp đậm đặc nhất là mỗi nhân vật giống như một tư tưởng được nhân vật hoá. Diện mạo của loại truyện ngắn này nghiêng về triết luận (Nhiều truyện ngắn của Nam Cao, Nguyễn Khải ở giai đoạn sau này nghiêng về kiểu ấy). Cần lưu ý, ở những trường hợp cực đoan, nó có thể là truyện ngắn luận đề.

Ví dụ: Đôi mắt của Nam Cao: Tình huống nhận thức - kiểu nhân vật tư tưởng - dạng truyện ngắn triết luận.

Sự phân loại này là tương đối. Trong thực tế các dạng ấy đều ít nhiều có tính pha tạp chứ không hoàn toàn “thuần chủng” như mô tả. Viêc nhận diện chỉ dựa vào sự nổi trội của yếu tố nào đó.

Về số lượng, có thể thấy truyện ngắn có hai loại: 

1)   Truyện một tình huống
Cả truyện ngắn chỉ xoay quanh có một tình huống duy nhất bao trùm. Có thể nói đây là loại truyện ngắn điển hình. 

2)   Truyện ngắn nhiều tình huống 

Cả thiên truyện được dệt từ nhiều tình huống. Tuy nhiên, trong đó, chúng cũng phân vai thành chính - phụ (nghĩa là có cái nào đó là chủ chốt) chứ không phải tất cả đều ngang hàng nhau, theo lối dàn đều. Đây là dạng truyện ngắn không thật điển hình. Chúng thường có dáng dấp của một truyện dài thu nhỏ, hơn là một truyện ngắn thực thụ. Chí phèo của Nam Cao, Vợ chồng A Phủ  của Tô Hoài, Mùa lạc của Nguyễn khải, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp... thuộc dạng truyện ngắn này.