Chỉ dành cho những bạn không tiếc thời gian. Cần đọc kỹ để hiểu lý thuyết.
Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ mà nội dung thường chỉ xoay quanh một tình huống truyện
chủ chốt nào đó.
Với truyện
ngắn, cần quan tâm đến các yếu tố về dung lượng và thi pháp.
Dung lượng: Truyện ngắn được xem là tác phẩm tự sự ngắn, thậm chí cực ngắn
(truyện mini) nhân vật không nhiều, tình tiết và chi tiết đời sống cũng không
nhiều.
Tuy nhiên, không có quy định nào mang tính tuyệt đối về dung lượng truyện
ngắn. Thông thường, truyện ngắn từ 1000 chữ đến trên mười nghìn chữ. Báo Tuổi
trẻ có mục “Truyện ngắn 1200 chữ”.
Truyện ngắn Thảo nguyên của nhà văn
Nga, Tchekhov lên đến mười lăm nghìn chữ.
Như vậy, ta không thể căn cứ vào dung lượng để nhận biết truyện ngắn hay
truyện dài, tiểu thuyết. Mà còn căn cứ vào thi pháp truyện ngắn.
Thi pháp truyện ngắn: Bao gồm các yếu tố như: cốt truyện, điểm nhìn trần
thuật, nhân vật, ngôn ngữ, tình huống truyện. Trong đó, tình huống truyện được
xem là hạt nhân của truyện ngắn.
Phần này, TNĐV sẽ giới thiệu về tình huống truyện trong truyện ngắn. Bài viết có tham khảo tài liệu nghiên cứu và giảng dạy của PGS. TS Chu Văn Sơn, giảng viên văn học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Định nghĩa tình huống truyện
Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã coi tình huống là “cái tình thế nảy ra truyện”,
là “lát cắt” của đời sống mà qua đó có thể thấy được cả trăm năm của đời thảo mộc,
là “một khoảnh khắc mà trong đó sự sống hiện ra rất đậm đặc”, “khoảnh khắc chứa
đựng cả một đời người, thậm chí cả một đời nhân loại”.
Định nghĩa như thế là xoáy vào nghịch lí thú vị sau đây của tình huống: qua
cái ngắn mà thấy được cái dài, qua một khoảnh khắc ngắn ngủi mà thấy được diện
mạo toàn thể. Nghĩa là tính “đặc biệt điển hình” của cái tình thế cuộc sống chứa
đựng trong đó. Đây là một tố chất thẩm mĩ tiềm ẩn của tình huống.
“Tình thế nảy ra truyện”, nghĩa là một khoảnh khắc nào đó của đời sống
mà ở đó một mối quan hệ (con người với con người, hoặc con người với ngoại vật)
bị đẩy đến trước một tương quan éo le. Như vậy, có khi tình huống bao chứa tình
thế, lại có khi tình thế bao chứa tình huống.
Như vậy, khác với dung lượng, tình huống truyện trong truyện ngắn giúp ta phân biệt rõ hơn với thể loại tiểu thuyết.
Tiểu thuyết là một thể loại lớn nằm trong phương thức tự sự, có khả năng
phản ánh hiện thực đời sống một cách bao quát ở mọi giới hạn không gian và thời
gian, có khả năng khám phá một cách sâu sắc những vấn đề thuộc về thân phận con
người thông qua những tính cách đa dạng, phức tạp và khả năng tái hiện những
bức tranh mang tính tổng thể rộng lớn về đời sống xã hội.
Còn người nghiên cứu, với sở trường trừu tượng hoá, đã khái quát tình huống
như là “một hoàn cảnh đặc biệt” của đời sống. Hình dung như vậy cũng phần nào
chạm tới cái vùng ven của vấn đề. Tuy nhiên, dừng lại ở đó không thôi thì
đối tượng hẵng còn xa mờ quá.
Để tiếp cận tình huống truyện, không thể không nhìn nhận trên những khía
cạnh căn bản sau đây:
Về bản thể: Tình huống truyện, xét đến
cùng, là một sự kiện đặc biệt của đời sống được nhà văn sáng tạo trong tác phẩm
theo lối lạ hoá.
Lạ hóa: Nhà văn đã làm
sống dậy trong sự kiện ấy một tình thế bất thường của quan hệ đời sống (quan hệ
giữa các nhân vật tham gia vào sự kiện, hoặc giữa nhân vật với ngoại giới).
+ Tại sự kiện ấy bản chất của nhân vật hiện hình sắc nét.
+ Tại sự kiện ấy ý tưởng của tác giả cũng bộc lộ trọn vẹn.
Từ đó có thể đúc kết: Tình
huống là một sự kiện đặc biệt trong đó chứa đựng một tình thế bất thường của
quan hệ đời sống.
Về hình tướng của nó, cần khu biệt với hai khái niệm
giáp ranh: đỉnh điểm và hoàn cảnh điển hình.
+ So với “đỉnh điểm”, tình huống truyện vừa có điểm tương đồng vừa có điểm
dị biệt. Đỉnh điểm là một khâu của hệ thống cốt truyện. Nó chỉ được coi là “đỉnh
điểm” trong quan hệ với các khâu còn lại như giới
thiệu, thắt nút, phát triển và cởi nút. Nó là cái “đỉnh chót” của hàng
loạt sự kiện và biến cố dệt nên cốt truyện. Còn "tình huống" lại là
cái sự kiện bao trùm lên toàn bộ một tác phẩm truyện ngắn. Trong tình huống dường
như có đủ các khâu của cốt truyện nhưng dưới dạng đã được nén lại.
+ So với “hoàn cảnh điển hình”, tình huống truyện vừa rộng hơn vừa hẹp
hơn. Rộng về diện hoạt động. Nếu “hoàn cảnh điển hình” là khái niệm chỉ nhất
thiết tồn tại trong một phạm trù văn học là “văn học hiện thực”, thì “tình huống
truyện”, với tư cách là hạt nhân của một thể loại, lại có mặt ở mọi phạm trù
văn học. Còn hẹp về qui mô. “Hoàn cảnh điển hình” thường được tạo dựng từ hàng
loạt sự kiện với một khung cảnh xã hội rộng dài, thì tình huống chỉ là một “khoảnh
khắc”, một “lát cắt”, thâu tóm vào khuôn khổ mộ sự kiện nhỏ và trọn vẹn nào
thôi. Nếu nhìn từ tương quan với hoàn cảnh cũng có thể định nghĩa: tình huống là sự cô đặc của một
hoàn cảnh điển hình nào đó.
Về vai trò: Tình huống là hạt nhân của cấu trúc thể
loại truyện ngắn. Nghĩa là nó quyết định đến sự sống còn của một truyện ngắn.
Hãy nhìn vào hai dạng biến động cơ bản về qui mô của truyện ngắn:
a) Dạng mở rộng: khi một truyện ngắn có đến hai sự kiện “tranh
nhau” đóng vai trò hạt nhân, vai trò quán xuyến, thì truyện ngắn đang “vươn vai”
thành truyện dài ;
b) Dạng giản lược: khi một truyện ngắn co mình lại trong một
số chữ hạn định để thành truyện cực ngắn, truyện mini, thì có thể thấy các
thành tố khác của truyện như nhân vật, cảnh vật, lời trần thuật có thể giảm thiểu
đến kiệt cùng, còn cái mà nó quyết giữ chính là tình huống. Mất “tình huống”,
nó có thể thành tản văn, thành tuỳ bút, thành thơ văn xuôi, thành kí, nghĩa là
thành gì gì khác… chứ quyết không thể còn là truyện ngắn. Mất tình huống tức là
mất tính cách truyện ngắn. Vì thế mà có thể thấy vai trò của nó trong hai tương
quan sau:
+ Với văn bản truyện ngắn: Nó là nhân tố tổ chức của thiên truyện.
Tức là nó bao trùm và chi phối các thành tố khác như nhân vật, cảnh vật, bố cục,
kết cấu, lời trần thuật… Nhìn ở chiều ngược lại, những thành tố kia châu tuần
xung quanh để làm sống dậy cái tình huống này. Diện mạo của một truyện ngắn,
xét đến cùng, là do tình huống quyết định.
+ Với người viết truyện
ngắn: Tạo được một tình huống
đặc sắc, xem như đã có một tiền đề khá chắc chắn cho thành công của tác phẩm.
Nghĩa là, để làm nên một truyện ngắn đầy đặn, người viết còn phải lo nhiều khâu
khác như dựng người, dựng cảnh, lo tâm lí, lo đối thoại … như thế nào nữa.
Nhưng lo được tình huống rồi thì coi như đã có một hứa hẹn tin cậy. Sáng tạo
tình huống truyện là phần việc cốt yếu của lao động truyện ngắn vậy.
Phân loại tình huống:
Về tính chất, truyện ngắn có ba dạng chính, bởi chứa
đựng ba dạng tình huống truyện căn bản:
- Tình huống hành động
Là loại sự kiện đặc biệt mà trong đó nhân vật bị đẩy tới một tình thế
(thường là éo le) chỉ có thể giải quyết bằng hành động. Tình huống này thường
hướng tới một kiểu nhân vật: Nhân vật hành động. Tức là loại
nhân vật chủ yếu được hiện lên bằng hệ thống hành vi, hành động của nó, các
bình diện khác ít được quan tâm. Do đó, nó quyết định đến diện mạo của toàn
truyện: Truyện ngắn giàu kịch tính.Thậm chí mỗi thiên truyện,
ở dạng rõ nét nhất, có thể coi như một màn kịch, một vở kịch ngắn trong y phục
văn xuôi (Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan là một trường hợp tiêu biểu).
Ví dụ: Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân: Tình huống hành động
- kiểu nhân vật hành động - truyện ngắn giàu kịch tính.
Tình huống truyện là cuộc gặp gỡ đầy trớ trêu, éo le giữa
người tù Huấn Cao với viên quản ngục chốn lao tù. Xét trên phương diện xã hội,
họ ở thế đối lập nhau (một bên là tử tù chờ ngày ra pháp trường; một bên là
quản ngục nắm trong tay sinh mệnh của tù nhân). Nhưng xét về phương diện nghệ
thuật, họ là những người có tâm hồn đồng điệu.
Tình
huống hành động - kiểu nhân vật hành động
+ Thái độ lúc đầu của
Huấn Cao: Tỏ ra coi thường, khinh bạc ngay cả khi nhận được sự chăm sóc lặng
lẽ, chu tất của viên quản ngục
+ Sự thay đổi
thái độ của Huấn Cao: Khi hiểu ra tấm lòng chân thành và sơ thích cao quý của
viên quản ngục, Huấn Cao hết lực trân trọng và đồng ý "cho chữ"
+ Cảnh cho chữ trong
nhà ngục: Diễn ra như "một cảnh tượng xưa nay chưa từng có". Không
gian và thời gian rất đặc biệt; vị thế của các nhân vật bị đảo ngược
- Ý nghĩa, hiểu
quả nghệ thuật của tình huống
+ Làm bộc lộ, thay đổi
quan hệ, thái độ, hành vi khác thường của các nhân vật, làm tỏa sáng vẻ đẹp của
cái Tài, cái Dũng, cái Thiên lương.
+ Góp phần khắc họa
tính cách nhân vật; tăng kịch tính và sức hấp dẫn của tác phẩm.
- Tình huống tâm trạng
Đó là sự kiện đặc biệt của đời sống mà ở đó nhân vật rơi vào một tình thế
làm nảy sinh một biến động nào đó trong thế giới tình cảm. Tình huống này thường
dẫn tới một kiểu nhân vật là: Con
người tình cảm. Nghĩa là kiểu
nhân vật được hiện lên chủ yếu bằng thế giới nội cảm của nó, nhà văn tạo dựng
nên hình tượng nhân vật chủ yếu bằng một hệ thống chất liệu là cảm giác, cảm
xúc với các phức hợp khác nhau của chúng. Còn các khía cạnh khác (như ngoại
hình, hành động, lí tính…) ít được quan tâm. Và vì thế, nó quyết định đến diện
mạo của toàn truyện: Truyện ngắn trữ tình.
(Truyện ngắn Hồ Dzếnh, Thanh Tịnh, Thanh Châu, nhất là Thạch Lam nghiêng về dạng
này.)
Ví dụ: Hai đứa trẻ của Thạch Lam: Tình huống tâm
trạng - kiểu nhân vật tình cảm - dạng truyện ngắn trữ tình.
Tình huống bao trùm toàn bộ tác phẩm là
Cuộc
đợi tàu của hai đứa trẻ trên phố huyện nghèo. Đây là cuộc đợi tàu lạ
lùng. Lạ vì chúng đợi tàu chẳng phải vì một mục đích nào thiết thực (không đợi
hàng, không đón ai, không có người thân nào của chúng trên đoàn tàu ấy ; chúng
đợi tàu chỉ để nhìn đoàn tàu, thế thôi). Lạ vì không thiết thực mà ngày nào
chúng cũng cố đợi. Chừng như chưa được nhìn đoàn tàu thì chúng chưa được sống
trọn vẹn một ngày.
Thạch Lam không chỉ mô tả hiện thực bằng mẫn cảm nghệ thuật, mà còn bằng
cả cảm thức triết học.
Nhìn vào tâm lí thuần tuý, tâm trạng của Liên là một tâm trạng lãng mạn
khá điển hình. Bất hoà với thực tại, cái tôi lãng mạn thường thoát vào trong mơ
ước để tìm kiếm một thực tại khác thay thế. Nó gặp một thực tại giờ đây đã là
quá khứ. Tức là thực tại trong hồi tưởng. Người ta đến với quá khứ ấy bằng và
chỉ bằng hoài niệm. Nhưng quá khứ chỉ có thể hồi hiện như những kỉ niệm đẹp chứ
không thể phục sinh, không thể quay về. Cho nên hoài niệm về một quá khứ đã mất
chỉ có thể là an ủi chốc lát. Không bằng lòng với nhớ tiếc dĩ vãng, cái tôi
lãng mạn lại tìm kiếm thực tại trong huyễn tưởng và viễn tưởng. Liên là một con
người thực tại. Nên mơ tưởng của Liên về một cuộc sống khác cũng rất thực tại.
Hằng ngày Liên chờ đợi đoàn tàu và gửi vào đoàn tàu ấy cái mơ tưởng của mình.
Đoàn tàu này chạy đến từ Hà nội, nơi Liên từng được sống một tuổi thơ vui tươi
sung sướng. Tuy xa xăm, nhưng với Liên, Hà nội là có thật. "Liên lặng theo mơ tưởng. Hà nội xa
xăm, Hà nội sáng rực vui vẻ và huyên náo.". Chờ đợi và nhìn đoàn tàu là một
nhu cầu tâm lí rất tự nhiên và thiết yếu của chị em Liên. Thạch Lam đã mô tả những
diễn biến ấy của tâm trạng Liên bằng ngòi bút tinh vi của một nghệ sĩ có khả
năng làm sống dậy cả những gì vốn mong manh hư thoảng nhất của hồn người.
- Tình
huống nhận thức
Đó là sự kiện đặc biệt của đời sống mà tại đó nhân vật được đẩy tới một
tình thế bất thường: Đối mặt với một bài học nhận thức, bật lên một vấn đề (về
nhân sinh, về nghệ thuật) cần phải vỡ lẽ, giác ngộ. Kiểu nhân vật của dạng tình
huống này đương nhiên là: nhân vật tư tưởng. Nghĩa là kiểu nhân vật được khai thác
chủ yếu ở đời sống nhận thức lí tính của nó. Chất liệu cơ bản để dệt nên nhân vật
là hệ thống những quan sát, phân tích, suy lí, đúc kết, chiêm nghiệm, toan tính
v.v… Trường hợp đậm đặc nhất là mỗi nhân vật giống như một tư tưởng được nhân vật
hoá. Diện mạo của loại truyện ngắn này nghiêng
về triết luận (Nhiều truyện
ngắn của Nam Cao, Nguyễn Khải ở giai đoạn sau này nghiêng về kiểu ấy). Cần lưu
ý, ở những trường hợp cực đoan, nó có thể là truyện ngắn luận đề.
Ví dụ: Đôi mắt của
Nam Cao: Tình huống nhận thức - kiểu nhân vật tư tưởng - dạng truyện ngắn triết
luận.
Sự phân loại này là tương đối. Trong thực tế các dạng ấy đều ít nhiều có
tính pha tạp chứ không hoàn toàn “thuần chủng” như mô tả. Viêc nhận diện chỉ dựa
vào sự nổi trội của yếu tố nào đó.
Về số lượng, có thể thấy
truyện ngắn có hai loại:
1)
Truyện một tình
huống
Cả truyện ngắn chỉ xoay quanh có một tình huống duy nhất bao trùm. Có thể
nói đây là loại truyện ngắn điển hình.
2)
Truyện
ngắn nhiều tình huống
Cả thiên truyện được dệt từ nhiều tình huống. Tuy nhiên, trong đó, chúng
cũng phân vai thành chính - phụ (nghĩa là có cái nào đó là chủ chốt) chứ không
phải tất cả đều ngang hàng nhau, theo lối dàn đều. Đây là dạng truyện ngắn
không thật điển hình. Chúng thường có dáng dấp của một truyện dài thu nhỏ, hơn
là một truyện ngắn thực thụ. Chí phèo của Nam Cao, Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Mùa lạc của Nguyễn khải, Tướng về hưu của Nguyễn Huy
Thiệp... thuộc dạng truyện ngắn này.
Bài viết hữu ích nhưng cần dẫn nguồn tác giả để đảm bảo tính khoa học và tôn trọng quyền sở hữ trí tuệ
Trả lờiXóa